[Linux căn bản] Cài đặt Ubuntu Server 18.04 trên máy ảo VMWare Workstation

Hướng dẫn cài đặt Ubuntu Server trên máy ảo VMWare Workstation mới nhất 2021
Trong bài viết trước chúng ta đã tìm hiểu và biết được về Linux cũng như những distro Linux phổ biến của Linux theo mục đích sử dụng. Trong quá trình viết về Linux trên TBLOG, tôi sẽ sử dụng Ubuntu Server làm hệ điều hành chính để demo.
Tại sao lại sử dụng Ubuntu Server?
Vậy tại sao lại sử dụng Ubuntu Server? Nếu như bạn tìm kiếm trên mạng, các bài viết, khóa học sẽ chủ yếu sử dụng CentOS làm hệ điều hành chính. Tuy nhiên, khi ra mắt CentOS 8, Redhat đã thông báo rằng không còn phát triển CentOS dựa trên RHEL 9 nữa mà sẽ cung cấp CentOS Stream, tức là sẽ không còn CentOS miễn phí cho người dùng nữa. Và bản CentOS 8 sẽ kết thúc vòng đời của mình trong năm 2021 này. Vậy những ai muốn sử dụng tiếp các phiên bản RHEL mới thì cần phải mua bản quyền thì mới sử dụng được.
Ubuntu Server hiện đã tung ra bản 21.04 rồi nhưng tôi vẫn sẽ lựa chọn phiên bản 18.04 để sử dụng trong toàn bộ bài lab vì phiên bản này vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp sử dụng trong thực tế.
Chuẩn bị môi trường cài đặt Ubuntu Server 18.04
Đầu tiên, chúng ta cần phải chuẩn bị môi trường và ISO để cài đặt Ubuntu Server 18.04
Với những ai chưa biết thì VMWare Workstation là phần mềm phổ biến dành cho những ai muốn ảo hóa phần cứng và tối ưu chi phí cũng như tránh lãng phí phần cứng bằng việc ảo hóa phần cứng của máy tính đang chạy, giúp chúng ta có thể cài đặt nhiều hệ điều hành lên một máy tính dễ dàng.
Cài đặt Ubuntu Server 18.04 trên máy ảo VMWare Workstation
Khi khởi động VMWare Workstation lên, màn hình Home sẽ xuất hiện như hình dưới, chọn Create a New Virtual Machine
Cửa sổ mới được mở, chọn Typical và ấn Next để tiếp tục
Trong cửa sổ tiếp theo, chúng ta có thể lựa chọn file ISO để cài đặt Ubuntu Server. Nhưng tôi khuyến nghị nên thêm file ISO cuối cùng vì nếu thêm ISO ở bước này, hệ thống sẽ bắt chúng ta phải khai báo thông tin tài khoản ở bước tiếp theo. Tôi muốn khai báo trong lúc cài đặt nên sẽ chọn “I will install the operating system later” và ấn Next
Tại bước tiếp theo, chúng ta sẽ lựa chọn Linux trong phần Guest operating system và Ubuntu 64-bit trong phần Version để cài đặt Ubuntu Server. Ấn Next để tiếp tục.
Tiếp đến, chúng ta có thể khai báo nơi lưu trữ máy ảo khi cài đặt và tên của máy ảo Ubuntu để phân biệt với các máy ảo khác cũng như dễ dàng trong quá trình sử dụng. Ấn Next để tiếp tục
Chúng ta sẽ khai báo dung lượng ổ đĩa cho máy ảo có thể được sử dụng trong bước tiếp theo. Mặc định sẽ là 20GB. Nếu chúng ta cần nhiều hơn, có thể tăng dung lượng lên. Với việc lab thì tôi nghĩ 20GB là khá đủ. Đồng thời lựa chọn Store virtual disk as a single file và ấn Next
Như vậy là đã gần kết thúc quá trình khai báo thông tin về máy ảo mới. Bước tiếp theo chúng ta sẽ khai báo thêm file ISO Ubuntu để máy ảo có thể boot và bắt đầu quá trình cài đặt Ubuntu Server. Chúng ta sẽ lựa chọn Customize Hardware…
Và chọn tới mục New CD/DVD (SATA), chọn tiếp Use ISO image file và tìm tới nơi lưu trữ file ISO Ubuntu. Sau khi xong, ấn Close để hoàn tất.
Đến đây, chúng ta bắt đầu khởi động máy ảo lên và cài đặt Ubuntu Server giống như sẽ cài với một máy vật lý bằng cách chọn Power on this virtual machine.
Máy ảo sẽ bắt đầu boot vào ISO và bắt đầu quá trình cài đặt Ubuntu Server. Chọn ngôn ngữ để bắt đầu (nên để mặc định – English)
Nếu bản ISO của bạn download đã lâu, có thể đã có một vài cập nhật rồi, bạn có thể lựa chọn cập nhật trước khi cài đặt hoặc có thể bỏ qua với lựa chọn Continue without updating
Chọn bàn phím để tiếp tục. Tôi khuyến nghị nên sử dụng English (mặc định). Chọn Done để tiếp tục.
Tiếp đến là phần cấu hình IP cho máy ảo để có thể kết nối với internet hoặc mạng nội bộ. Với máy thật, chúng ta sẽ sử dụng IP tĩnh để đặt cho thiết bị. Do đây là máy lab nên tạm thời tôi sẽ sử dụng DHCP để cấp IP cho thiết bị trước. Sau khi cài đặt Ubuntu Server xong, chúng ta có thể cài đặt sau được.
Chọn Done ở bước tiếp theo.
Vì là cài mới nên chúng ta có thể để mặc định và ấn Done để hệ thống tự động phân vùng ổ đĩa cho chúng ta.
Hệ thống sẽ cần chúng ta xác nhận trước khi chuyển tới bước tiếp theo. Ấn Continue để tiếp tục.
Tiếp tục, chúng ta sẽ khai báo thông tin về username để đăng nhập sử dụng Ubuntu sau khi cài đặt xong
Lựa chọn cài đặt OpenSSH để có thể SSH vào Ubuntu để thực hành
Quá trình cài đặt sẽ tiếp tục diễn ra, bạn có thể chờ khoảng 10 phút để quá trình này kết thúc. Sau khi kết thúc bạn sẽ cần khởi động lại để hoàn tất quá trình cài đặt Ubuntu Server.
Cuối cùng, quá trình cài đặt Ubuntu Server đã hoàn tất, bây giờ bạn có thể đăng nhập vào Ubuntu và sử dụng rồi.
Chúc bạn thành công và hẹn gặp lại trong các bài tiếp theo của series tự học Linux.
https://s3.ap-southeast-1.amazonaws.com/tblog.vn/tblog/wp-content/uploads/2021/05/21133637/cai-dat-ubuntu-server-tren-may-ao-vmware-workstation.jpghttps://tblog.vn/cai-dat-ubuntu-server-18-04-tren-vmware-workstation/